Phương pháp sơ cứu và món ăn hồi sức khi chảy máu cam
Trường hợp chảy máu cam nhẹ thì nằm ngửa, dùng khăn mặt nhúng nước lạnh đắp lên trán, ngón tay chắn nhẹ phía lỗ mũi bị chảy máu.
Chảy máu mũi (chảy máu cam) thường gặp ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân do cảm nhiễm nóng, lạnh đột ngột, thiếu vitamin C hoặc bệnh truyền nhiễm cấp tính… Y học cổ truyền gọi bệnh huyết hư và chia làm 2 nhóm: chứng thực và chứng hư.
Chứng thực là bệnh phát sinh do phổi nhiệt, gan nóng hỏa bốc, dạ dày thực nhiệt gây ra. Hư chứng thuộc về âm, huyết hư, kèm theo các tạng gan, thận, phổi đều hư gây ra.
Canh mướp hương nấu thịt nạc thanh nhiệt dưỡng huyết, rất tốt cho người chảy máu cam.
Một số cách để hết chảy máu cam:
Đắp tỏi: tỏi tươi 3-5 tép, vải xô 2 miếng. Tỏi bỏ vỏ the giã nhỏ. Nếu cả hai lỗ mũi đều chảy máu thì chia tỏi làm 2 phần gói vào vải xô, buộc vào hai gan bàn chân (chỗ lõm nhất khi để ngửa bàn chân lên). Nếu máu cam chỉ chảy ở lỗ mũi phải thì chỉ buộc tỏi ở gan bàn chân bên trái và ngược lại. Ngày thay tỏi 1 lần, buộc 2 ngày.
Chườm nước lạnh: Trường hợp chảy máu cam nhẹ thì nằm ngửa, dùng khăn mặt nhúng nước lạnh đắp lên trán, ngón tay chắn nhẹ phía lỗ mũi bị chảy máu.
Buộc ngón giữa: khi bị chảy máu cam, để cấp cứu nhanh, dùng một sợi chun (dây cao su cũng được) quấn nhẹ vào ngón tay giữa phần sát bàn tay, nếu chảy máu ở lỗ mũi phải thì quấn ở ngón giữa bàn tay trái và ngược lại, khi máu không chảy thì cởi bỏ.
Nên cho trẻ ăn các thức thanh mát, rau xanh, quả tươi giàu vitamin C như quýt, cà chua… để phòng ngừa chảy máu cam.
Các món ăn tốt cho người chảy máu cam
Canh mướp nấu thịt nạc: mướp tươi 200g, rau ngót 50g, thịt lợn nạc 100g, bạc hà tươi 4 – 5 lá, bột ngọt, gia vị vừa đủ. Mướp bỏ vỏ thái miếng, rau ngót, bạc hà rửa sạch, thịt lợn băm nhỏ ướp bột gia vị xào chín, cho nước vừa đủ đun sôi, cho mướp, rau ngót, bạc hà vào đảo đều, canh sôi lại cho bột ngọt vào. Ăn ngày 1 lần với cơm. Ăn liền 5 ngày.
Canh rau má tôm nõn: rau má 100g, cỏ nhọ nồi 50g, tôm nõn 20g, bột ngọt, gia vị vừa đủ. Tôm nõn giã nhỏ, cho vào nồi thêm nước vừa đủ, cho bột gia vị vào đun sôi. Rau má, cỏ nhọ nồi rửa sạch, thái nhỏ cho vào nước tôm, canh sôi lại cho bột ngọt quấy đều là được. Ăn ngày 1 lần với cơm. Ăn liền 3 ngày.
Tim chó hấp đậu đen: tim chó 1 quả, đậu đen 50g, bột gia vị vừa đủ. Tim chó rửa sạch thái mỏng, đậu đen xay thành bột, cùng cho vào bát to thêm bột gia vị trộn đều đem hấp cách thủy, khi chín cho bệnh nhân dùng 1 lần. Cần ăn liền 3 ngày.
Nước lá hẹ: lá hẹ tươi 60g rửa sạch giã nhỏ, dùng nước sôi để nguội lọc lấy 200ml nước đặc, chia 2 lần uống trong ngày, uống liền 3 ngày.
Nước nhân lạc: nhân lạc tươi 60g. Chọn lạc non, bỏ vỏ lấy nhân còn cả vỏ the cho vào nồi, đổ nước đun sôi kĩ, chắt lấy nước, chia 2 lần uống trong ngày, ăn lạc, uống nước. Cần ăn, uống liền 3 ngày.
Nước rau muống: Rau muống trắng 30g, đường trắng 20g. Rau muống nhặt kỹ rửa sạch, giã nhỏ, dùng nước sôi để nguội lọc lấy 200ml nước đặc, cho đường vào quấy đều, chia 2 lần uống trong ngày. Uống liền 5 ngày.
Nước củ cải trắng: củ cải trắng 50g rửa sạch giã nhỏ, dùng nước sôi để nguội lọc lấy nước đặc chia 3 lần uống trong ngày, trước khi uống nhỏ 3 giọt nước củ cải vào mũi bên chảy máu. Làm liền 3 ngày.
Nước vỏ quả dừa: vỏ quả dừa 60g (loại dừa cho nước giải khát, vỏ còn xanh) cắt thành miếng cho vào nồi thêm nước, đun sôi kỹ khi chắt lấy nước đặc chia 2 lần uống trong ngày. Uống liền 3-5 ngày.
Nước ngó sen: ngó sen 10g rửa sạch giã nhỏ vắt lấy nước. Ngày nhỏ 3 lần, mỗi lần 2-3 giọt vào lỗ mũi bị chảy máu, làm liền 3 ngày.
Chú ý: nên ăn uống những chất thanh đạm, mát, nhiều rau xanh, quả tươi giàu vitamin C như cà chua, quýt… Không ăn các chất cay nóng như ớt, hành tây, gừng, tỏi; các món ăn khô như thịt nướng, rán, quay, hun khói…
Trả lời