Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không ?
Một số rối loạn nhịp tim thường gặp
Nhịp chậm xoang
Trong trường hợp này, nút xoang vẫn là chủ nhịp của quả tim nhưng phát ra các xung động chậm hơn bình thường và đa số không phải là bệnh lý.
Tuy nhiên, nhịp chậm xoang sẽ là bất thường khi gây triệu chứng chóng mặt hoặc ngất, do làm giảm chức năng tim.
Một số nguyên nhân gây ra nhịp chậm xoang bao gồm “hội chứng nút xoang bệnh lý”, một số bệnh lý nội tiết như suy chức năng tuyến giáp…
Một số thuốc có thể gây ra hoặc làm nặng thêm chậm nhịp tim: thuốc chẹn beta giao cảm, digoxin…
Điều trị nhịp chậm xoang bao gồm điều chỉnh các rối loạn nguyên nhân nếu có như bổ sung hormon tuyến giáp (trong trường hợp suy giáp), giảm liều hoặc ngừng sử dụng các thuốc gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng chậm nhịp tim. Nếu nhịp tim chậm kéo dài và xuất hiện triệu chứng, bạn có thể được các bác sĩ cấy máy tạo nhịp tim, là một thiết bị nhỏ như bao diêm được cấy dưới da thành ngực, máy tạo nhịp có chức năng kích thích quả tim đập khi nhịp tim tự nhiên quá chậm.
Nhịp nhanh xoang
Là khi nút xoang kích thích quả tim đập nhanh trên 100 lần trong một phút. Đây là đáp ứng bình thường của quả tim đối với nhu cầu oxy tăng lên của cơ thể trong trường hợp gắng sức hoặc stress. Nhịp nhanh xoang cũng có thể xảy ra trong một số tình trạng khác như nhiễm trùng, sốt, thiếu máu, cường giáp…
Trong đa số các trường hợp, nhịp nhanh xoang không cần phải điều trị. Vấn đề chính là cần phát hiện và điều trị nguyên nhân gây ra nhịp nhanh xoang. Khi cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số thuốc làm chậm nhịp tim như thuốc chện beta giao cảm.
Ngoại tâm thu nhĩ
Là nhát bóp sớm hơn bình thường bắt nguồn từ tâm nhĩ nhưng không phải ở nút xoang.
Các nguyên nhân gây ra ngoại tâm thu nhĩ tương tự như nhịp nhanh xoang. Có thể điều trị bằng thuốc chẹn thụ thể beta, thuốc chẹn kênh calci và một số thuốc khác.
Ngoại tâm thu thất
Ngoại tâm thu thất cũng là một nhát bóp “đến sớm” nhưng bắt nguồn từ tâm thất. Ngoại tâm thu thất sẽ trở nên nguy hiểm khi xuất hiện dày và liên tiếp (nhịp nhanh thất) đặc biệt khi xảy ra trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, đa số ngoại tâm thu thất là lành tính và không cần phải điều trị.
Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất
Là nhịp tim nhanh bất thường bắt nguồn từ các cấu trúc ở trên tâm thất. Thường liên quan tới “vòng vào lại” các xung động trong tim. Nhịp nhanh kịch phát trên thất gặp ở mọi lứa tuổi và thường xảy ra trên một quả tim hoàn toàn bình thường. Cơn nhịp nhanh thường xuất hiện và kết thúc đột ngột. Nhìn chung loại loạn nhịp này có thể đáp ứng với nhiều loại thuốc như chẹn beta, chẹn kênh calci, digoxin. Hiện nay triệt đốt bằng năng lượng sóng tần số radio qua đường ống thông được xem là phương pháp được chọn lựa trong điều trị tim nhanh trên thất, điều trị mang tính triệt để với tỉ lệ thành công cao, ít biến chứng.
Rung nhĩ
Rung nhĩ là loạn nhịp tim rất thường gặp. Tâm nhĩ mất khả năng duy trì hoạt động khử cực bình thường, các xung động điện học dẫn truyền hỗn loạn trong cơ tâm nhĩ làm mất khả năng, co bóp nhịp nhàng cơ học của tâm nhĩ. Xung động rất nhanh từ tâm nhĩ có thể dẫn xuống tâm thất làm tâm thất cũng đập nhanh và không đều.
Các triệu chứng của rung nhĩ bao gồm cảm giác đánh trống ngực, một số bệnh nhân có thể biểu hiện đau ngực, chóng mặt hoặc suy tim. Một trong những nguy cơ lớn nhất của rung nhĩ là sự hình thành cục máu đông trong tâm nhĩ, có thể gây đột quỵ do tắc mạch. Khi bạn bị rung nhĩ cần có sự theo dõi sát của các bác sĩ và tuỳ tình huống cụ thể mà bác sĩ có thể quyết định chuyển nhịp về nhịp xoang (bằng thuốc hoặc bằng dòng điện) rồi duy trì nhịp xoang. Tuy nhiên, có khi bạn phải chung sống hoà bình với rung nhĩ và phải uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ (đặc biệt là thuốc chống đông máu).
Cơn tim nhanh thất
Là cơn tim đập nhanh có nguồn gốc từ tâm thất. Khác với tim nhanh trên thất, rối loạn nhịp thất nhanh thường gây nhiều triệu chứng như khó thở, đau ngực, tụt huyết áp… và đặc biệt nguy hiểm khi xuất hiện trên bệnh nhân có bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim…).
Các cơn tim nhanh thất cần phải được điều trị cắt tại bệnh viện. Để dự phòng cơn tim nhanh tái phát, người bệnh phải sử dụng các thuốc chống rối loạn nhịp tim theo chỉ định của bác sĩ.
Một số cơn tim nhanh thất có thể được điều trị triệt để bằng phương pháp đốt điện như đối với cơn tim nhanh trên thất.
Một số cơn tim nhanh thất nguy hiểm, điều trị bằng thuốc hoặc đốt điện nhưng không hiệu quả, cần được cấy máy phá rung tự động.
Hội chứng nút xoang bệnh lý
Thuật ngữ “hội chứng” trong y học là để chỉ một tập hợp các triệu chứng. Hội chứng không phải là “bệnh” nhưng có thể phản ánh các bệnh lý thực tổn. Những người mặc hội chứng suy nút xoang (SSS) thường biểu hiện nhiều loại rối loạn nhịp tim khác nhau, phần lớn liên quan đến tầng nhĩ và nút nhĩ thất. Các rối loạn nhịp có thể nhanh hoặc chậm, nếu cùng gặp cả hai thì người ta gọi là “hội chứng nhịp nhanh – chậm”. Trong hội chứng suy nút xoang còn có thể gặp rung nhĩ, cuồng nhĩ cũng như các rối loạn nhịp khác. Điều trị bằng thuốc nhìn chung ít hiệu quả trong hội chứng suy nút xoang. Cấy máy tạo nhịp tim là phương pháp hữu hiệu để điều trị bệnh.
Bloc nhĩ thất
Bloc nhĩ thất là khi có sự tắc nghẽn hoặc hoàn toàn hoặc không hoàn toàn xung động đi từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Bloc nhĩ thất có thể gây nhịp tim chậm dẫn tới các triệu chứng mệt mỏi, choáng váng và nặng hơn là ngất. Một số trường hợp bloc nhĩ thất sẽ tự hồi phục khi nguyên nhân cấp tính được giải quyết. Tuy nhiên, phần lớn bloc nhĩ thất gây nhịp chậm nhiều cần phải được cấy máy tạo nhịp tim.
Theo Bệnh
Trả lời