Rước họa vì chăm súc họng
Hiện nay, trên thị trường, thuốc súc họng được chia thành 3 nhóm chính là: kháng sinh (tyrothricine), sát khuẩn (bétadine gargle, givalex, BBM- muối borat, muối bicarbonat và methol…), trung hòa pH (nước nuối 0,9%, natribicarbonat).
Thuốc súc họng có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn ngay tại chỗ, giúp tình trạng viêm họng, đau, rát họng thuyên giảm dần. Tuy nhiên, khi quá chăm súc họng, đó là lúc bạn rước bệnh vào thân.
Họa vô đơn chí
Thời gian gần đây, không hiểu vì lý do gì mà môi chị Thúy Hạnh (Bình Chánh, TPHCM) thường xuyên trong trạng thái bị phồng rộp. Chị đã dùng nhiều loại thuốc bôi, ăn nhiều đồ mát gan song vẫn không cải thiện được tình hình.
Mỗi lần nhìn thấy chị ủ ê bóc bóc, lột lột lớp da chết, chồng chị đều nửa đùa nửa thật: “Định hôn vợ một cái để hâm nóng tình cảm mà tụt hết cảm xúc”, “Cửa hàng mỹ phẩm dưới nhà đang thanh lý son, vợ xuống xem có mua được thỏi nào không. Môi này đánh son thì đẹp phải biết”… Biết là chồng đùa, nhưng chị vẫn không kìm được cáu gắt. Anh càng cười lớn, chị càng tức giận và hình như là ngược lại.
Cuối cùng, không chịu được đôi môi nứt nẻ và những lời kích động của chồng, chị Hạnh quyết định ghé thăm bác sĩ. Kết quả thật bất ngờ khi bác sĩ chuẩn đoán nguyên nhân gây ra những khó chịu này có thể là do lạm dụng thuốc súc họng chứ không phải do thời tiết ẩm ương hay thói quen ăn uống không khoa học. Quả đúng là thời gian này, do ngồi máy lạnh và uống nước đá nhiều nên ngày nào chị cũng súc họng để phòng tránh nguy cơ bị ho hay khản tiếng.
Ảnh minh họa
Cũng lạm dụng thuốc súc họng như chị Hạnh, nhưng chuyện của chị Thiên Bình (Hoàng Mai, Hà Nội) lại khác. Số là em chồng của chị mới từ đi du lịch nước ngoài về và có mua tặng gia đình chị một thùng nước súc họng mà theo lời quảng cáo là có thể trị dứt điểm mọi tình trạng ho.
Vốn đang mang bệnh trong người nên chị tích cực súc họng lắm. Không chỉ ở nhà mà chị còn thủ sẵn vài chai đến cơ quan để có thể thực hiện công việc này ngay khi nhớ ra.
Nhớ lại thời gian đó, chị Bình thở dài: “Tính ra mỗi ngày tôi phải súc họng đến chục lần vì nghĩ nó cũng lành như nước muối, xịn như hàng xách tay. Kết quả ho mãi chả khỏi mà họng càng ngày càng đau rát. Mà càng đau rát thì tôi lại súc họng càng nhiều.
Đến khi sốt li bì mấy ngày mới mò mẫm đến viện. Vừa nghe tôi thuật lại quá trình dùng thuốc, bác sĩ đã mắng xa xả là chết vì thiếu hiểu biết. Theo giải thích thì nguyên nhân khiến cổ họng tôi ra nông nỗi này là tại quá chăm súc họng. Đúng là họa vô đơn chí”.
Không dùng quá 10 ngày
Câu chuyện của chị Hạnh hay chị Bình ở trên không chỉ phản ánh một thực tế là tại Việt Nam, thuốc súc họng đang được sử dụng khá tùy tiện mà quan trọng hơn, còn cho thấy mức độ nguy hiểm của việc dùng loại thuốc này quá liều lượng cho phép.
Hiện nay, trên thị trường, thuốc súc họng được chia thành 3 nhóm chính là: kháng sinh (tyrothricine), sát khuẩn (bétadine gargle, givalex, BBM- muối borat, muối bicarbonat và methol…), trung hòa pH (nước nuối 0,9%, natribicarbonat).
Trong thành phần các thuốc súc họng thường phối hợp thêm với một số chất làm dịu, làm mềm niêm mạc họng, giảm đau, giảm viêm, chống dị ứng tại chỗ: benzocain, menthol, muối salicylat, hexetidin…
Chính vì vậy, khi thấy ho, đau rát họng, nhiều người đã tìm đến thuốc súc họng để nhanh chóng giải thoát bản thân khỏi tình trạng khó chịu này. Tuy nhiên, vì không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dụng, không ít người đã lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười như chị Bình, chị Hạnh,
Thực tế, mỗi loại thuốc súc họng sẽ có một cách sử dụng riêng, tuy nhiên, thông thường, loại thuốc này chỉ nên dùng 2 ngày/lần và tuyệt đối không được nuốt. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên dùng quá 10 ngày liên tiếp (trừ nước muối sinh lý) bởi sử dụng trong thời gian dài sẽ gây nên tình trạng mất cân bằng sinh thái ở vùng họng.
Theo đó, lớp vi khuẩn có lợi ở vùng họng sẽ bị tiêu diệt, đồng thời tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển mạnh hơn. Đó là lý do tại sao càng súc họng, càng đau họng hay viêm loét nặng hơn.
Không chỉ vậy, lạm dụng thuốc súc họng cũng là nguyên nhân gây ra các tác dụng không mong muốn như phát ban, ngứa họng, phồng rộp môi… Khi gặp những sự cố này, bạn nên ngừng dùng thuốc ngay lập tức.
Tự chế thuốc súc họng tại nhà
Không cần lo lắng về các thành phần hóa học trong thuốc súc họng có thể gây hại cho cơ thể khi dùng nhiều, bởi bạn có thể chế tạo loại nước này ngay tại nhà.
Thành phần:
– 1 miếng gừng lột vỏ thái lát cỡ 2,5cm.
– 1/4 muỗng cà phê bột quế.
– 1/3 chén bạc hà tươi cắt nhỏ
– 1 tách nước.
Cách thực hiện:
Đun sôi nước và cho tất cả các loại thảo mộc vào trong đó. Đun nhỏ lửa trong vòng 15 phút và sau đó lọc lấy nước. Đổ nước này vào một cái chai và đem ra sử dụng khi cần thiết.
Nước xúc miệng tự chế tự nhiên này có thể bảo quản trong 1-2 tuần, giúp bạn dễ dàng có được hơi thở thơm mát, an toàn cho sức khỏe.
Theo Sức khỏe gia đình
Trả lời