Sự thật về cây thần dược: lược vàng
Tiến sĩ Trịnh Thị Điệp, đại diện nhóm nghiên cứu về cây lược vàng thuộc Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cho biết, ăn quá nhiều cây lược vàng có thể bị ngộ độc.
Nghe người quen giới thiệu, anh Thành (Đông Anh, Hà Nội), mắc bệnh gút đã hơn chục năm nay, tìm mua bằng được cây lược vàng, rồi ngâm 10 rễ cây với 0,7 lít rượu, mỗi bữa uống một cốc nhỏ, với hy vọng sớm lành bệnh.
Anh Thành cho hay, mấy năm qua anh đã ăn uống kiêng khem nhiều, uống đủ thứ thuốc thế mà vẫn không khỏi bệnh. Những hôm thời tiết trở giời, tay, chân lại sưng lên đau buốt, không đi đâu được.
Thế rồi, có cậu em rể đưa cho anh xem một tập tài liệu nói về công dụng chữa bệnh của cây lược vàng, trong đó có bệnh gút. Anh cũng lên tận chỗ chuyên bán cây cảnh mua 5 cây.
“Tôi cũng giới thiệu cho một vài người quen dùng thử, nghe mọi người nói thì cũng có tác dụng”, anh nói.
Giống như anh Thành, chị Hà (Gia Lâm, Hà Nội) mắc bệnh tiểu đường hơn 1 năm nay cũng được người quen giới thiệu về cây lược vàng. Nghe nói loại cây này có xuất xứ từ Thanh Hóa nên chị cất công nhờ người quen ở đó mua mấy cây gửi về Hà Nội.
“Mỗi ngày tôi hái 5-6 lá để ăn. Từ khi dùng thấy cũng đỡ, số lần đi tiểu ít đi. Có đợt không ăn lá nữa thì thấy người mệt mỏi”, chị Hà nói.
Chưa biết thực hư chữa bệnh của cây lược vàng như thế nào, nhưng với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương, nhiều người có bệnh cũng đổ xổ đi mua cây lược vàng với hy vọng khỏi được bệnh.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Trịnh Thị Điệp, đại diện nhóm nghiên cứu về cây lược vàng thuộc Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cho biết, ăn quá nhiều cây lược vàng có thể bị ngộ độc.
Lược vàng là cây thuốc được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian ở Nga, được dùng để chữa nhiều bệnh như: viêm răng lợi, dạ dày, đau xương khớp đến các bệnh về tim mạch, huyết áp, thậm chí cả ung bướu…
Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Dược liệu, cao chiết lá và thân lược vàng còn có độc tính cấp. Ở liều tương đương với 2.100-3.000 gam dược liệu tươi trên mỗi kilogam thể trọng, loại cây này gây chết chuột thí nghiệm.
“Về nguyên tắc, có độc tính không có nghĩa là không nên dùng mà vấn đề đáng quan tâm là liều dùng nào đạt được tác dụng dược lý mong muốn và liều dùng nào gây ảnh hưởng bất lợi với sức khỏe”, bà Điệp nói.
Với cây lược vàng, liều sử dụng trên động vật thí nghiệm không phải là liều sử dụng cho người. Hiện nay người dân thường sử dụng 5-6 lá mỗi ngày, để có thể gây chết phải dùng một lượng gấp 1.000 lần như thế.
Bà Điệp cũng cho rằng kết quả nghiên cứu bước đầu này chưa thể khẳng định người dân sử dụng lược vàng với liều lượng 5-6 lá mỗi ngày có bị ảnh hưởng đến sức khỏe hay không, mà phải có những nghiên cứu sâu hơn nữa. Tuy nhiên bà cũng khuyến cáo người dân hãy thận trọng khi sử dụng loại cây vốn được đồn thổi là “thần dược” có thể chữa bách bệnh này.
Trả lời