Suy giảm trí nhớ tuổi đôi mươi
Khoảng 20% bệnh nhân dưới 35 tuổi của các phòng khám gặp vấn đề về suy giảm trí nhớ. Phó Chủ tịch Hội Thần kinh học TP HCM Nguyễn Thi Hùng cho rằng xu hướng trẻ hóa người bệnh này rất đáng ngại.
Nếu trước đây suy giảm trí nhớ chỉ thường gặp ở người tuổi trung niên, thì nay bệnh đã xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi, có khi chỉ mới đôi mươi, theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thi Hùng. Ở Việt Nam hiện chưa có khảo sát chính thức nào về tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ, nhưng ước tính của ông Hùng, cứ khoảng 100 người trẻ đến khám bệnh ở các cơ sở y tế thì có đến 20 người gặp vấn đề về suy giảm trí nhớ.
Tại Australia, khảo sát năm 2014 cho thấy gần 24.500 công dân trẻ nước này mắc hội chứng đãng trí – một dạng suy giảm trí nhớ. Hiệp hội Azheimer của Australia cảnh báo rằng 35 không còn là độ tuổi quá sớm để phòng bệnh. Trẻ hóa độ tuổi thoái hóa thần kinh là tình trạng chung của thế giới chứ không riêng Việt Nam.
Tiến sĩ Hùng cho rằng xã hội phát triển khiến người trẻ phải đối mặt với nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống dẫn đến stress. Các bệnh lý thoái hóa thần kinh vì vậy tăng cao mà không do tác động tuổi tác. Người trẻ dễ kích động, cáu gắt, mất tập trung, xử lý công việc chậm, hay nhầm lẫn… Họ chật vật hơn khi đi làm, kiếm tiền và xử lý các mối quan hệ xung quanh trong xã hội hiện đại.
Như chị Mai 29 tuổi ở Hưng Yên, là một ví dụ. Cô thư ký trẻ gần đây liên tục bị sếp nhắc nhở vì hết quên gửi mail lại đến chẳng nhớ việc phải làm, chuẩn bị tài liệu cho sếp họp thì thiếu trước hụt sau… Ở công sở thì thế, về nhà còn tệ hơn, Mai quên luôn các cuộc hẹn hò với bạn trai, vào bếp rồi lại đi ra ngơ ngẩn bởi không thể nhớ ra mục đích định vào bếp để làm gì…
Với bệnh nhân này, Tiến sĩ Hùng cho rằng Mai đang chịu hệ lụy về tâm lý ảnh hưởng đến thần kinh dưới áp lực công việc quá căng thẳng, dẫn đến suy giảm trí nhớ. Căng thẳng tâm lý từ lâu được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy giảm trí nhớ cùng với chế độ ăn công nghiệp, thói quen uống rượu bia và chất kích thích, tình trạng béo phì, ô nhiễm môi trường… Đây cũng là những yếu tố tác động mạnh đến cuộc sống của những người trẻ thời hiện đại ngày nay.
Theo ông Hùng, con người từ 25 tuổi trở đi, mỗi ngày có tới 3.000 tế bào não chết đi mà không sản sinh thêm. Trong khi đó, mỗi tế bào ở lại phải hứng chịu sự tấn công của 10.000 gốc tự do. Chúng làm xơ hóa các bao myelin và các đầu sợi trục tế bào thần kinh, gây chết tế bào, khiến chức năng não dần rối loạn, suy giảm trí nhớ. Người trẻ mắc chứng bệnh này sẽ dễ bị sa sút trí tuệ, Alzheimer, Parkinson… khi về già.
Mặc khác, chế độ ăn với nhiều đồ ngọt, thực phẩm chiên xào, đồ hộp chứa chất bảo quản và phụ gia, đường hóa học… dễ sản sinh nhiều gốc tự do gây suy giảm nhận thức và trí nhớ của não bộ. Còn rượu ảnh hưởng tiêu cực lên vùng nhớ hippocampus (phần não bộ có chức năng lưu trữ thông tin và hình thành ký ức), ngăn cản việc chuyển đổi trí nhớ ngắn hạn sang dài hạn. Nếu uống quá nhiều, rượu có thể gây nguy hiểm cho não bộ, làm mất trí nhớ, căng thẳng, trầm cảm và các biến chứng khác về thần kinh.
Một nghiên cứu trên 451.232 người béo phì tại Anh suốt từ năm 1999 đến 2011 với 43% là nam giới, cho thấy người béo phì ở tuổi 30-39 có nguy cơ suy giảm trí nhớ gấp 3,5 lần người bình thường. Các nhà nghiên cứu lý giải, béo phì thường kéo theo các bệnh tiểu đường và tim mạch. Đây là 2 yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh đãng trí.
Để cải thiện tình trạng “chưa già đã lú”, Tiến sĩ Hùng khuyên người trẻ cần phải thay đổi lối sống, nên ngủ đủ giấc, tránh stress, giảm cân nếu béo phì, hạn chế rượu bia và các thực phẩm chứa nhiều gốc tự do. Thường xuyên rèn luyện trí nhớ bằng cách đọc sách, năng giao tiếp xã hội, sắp xếp cuộc sống gọn gàng…
Tập thể dục thường xuyên cũng là một cách tốt, để thúc đẩy tuần hoàn, hô hấp, giúp tăng cường ôxy và dinh dưỡng cho não. Ông cũng cho rằng từ 20 tuổi trở đi, khả năng chống đỡ các gốc tự do của cơ thể giảm. Vì vậy, nên bổ sung các sản phẩm có khả năng chống gốc tự do để giúp bảo vệ tế bào thần kinh.
Theo thuocthang
Trả lời