Tập thể dục có trị được bệnh viêm gan ?
Tôi bị viêm gan siêu vi B đã 5 năm. Mới đây một người bạn khuyên tôi nên luyện tập thể thao để giúp cải thiện, hỗ trợ điều trị bệnh. Điều này có đúng không? Nếu tôi muốn luyện tập thì cần tuân thủ những nguyên tắc gì? Trần Văn Hùng (Q.8, TP.HCM)
Trả lời:
Để phòng viêm gan, ngoài việc sử dụng vắc-xin, chế độ ăn uống phù hợp… thì luyện tập là phương pháp nên phối hợp để nâng cao sức đề kháng. Trong điều trị, tập luyện giúp cải thiện các triệu chứng, hỗ trợ điều trị nguyên nhân, giảm các bệnh làm nặng thêm tình trạng viêm gan.
Giảm mệt mỏi: là triệu chứng thường xuyên xuất hiện ở bệnh nhân viêm gan, thường do các nguyên nhân: ngủ ít, trầm cảm, không đủ dinh dưỡng, do các bệnh khác kèm theo, thuốc điều trị viêm gan (interferon), năng lượng dự trữ giảm, tổn thương hệ miễn dịch…
Trong các lý do này thì tập luyện có thể giúp ngủ tốt, giảm lo âu căng thẳng, tăng giải phóng ATP (hợp chất giàu năng lượng), cung cấp năng lượng cho cơ thể, kích thích hệ thống miễn dịch hoạt động. Như vậy bệnh nhân sẽ giảm được cảm giác mệt mỏi.
Giảm đầy bụng, chậm tiêu: tập luyện làm tăng vận động các cơ trên đường tiêu hóa.
Giúp kích thích hệ thống miễn dịch: hệ miễn dịch hoạt động tốt sẽ đáp ứng với điều trị tốt hơn.
Giảm quá trình oxy hóa: tập luyện giúp tăng tưới máu, tăng oxy nuôi dưỡng các mô, chống lại quá trình oxy hóa (quá trình làm hủy hoại tế bào).
Kích thích sản sinh glutathione: đây là chất giúp chống lại quá trình oxy hóa và giúp phân giải ATP, tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động.
Giảm ảnh hưởng của các bệnh khác tới gan: khi bị viêm gan mà mắc thêm những bệnh khác thì sẽ làm cho việc điều trị gặp trở ngại. Ví dụ, tăng huyết áp hoặc béo phì làm tăng gánh nặng cho gan. Việc luyện tập đúng cách giúp giảm huyết áp, giảm béo phì.
Bệnh thần kinh, tim mạch, nội tiết, cơ xương khớp… là những bệnh lý liên quan đến gan. Các yếu tố này xuất hiện làm tăng khả năng nhiễm viêm gan, tăng gánh nặng cho gan. Khi luyện tập, bạn đều có thể giảm và phòng ngừa được.
Nguyên tắc luyện tập là làm ấm cơ thể, luyện tập, sau đó làm nguội. Nên tập đều đặn thường xuyên, cân bằng giữa các cơ quan trong cơ thể, và tập vừa sức. Một số bộ môn phù hợp cho bệnh nhân viêm gan: đi bộ, đạp xe, chạy bộ, thể dục nhịp điệu, thể dục thẩm mỹ, khiêu vũ…
Riêng đối với một số bệnh lý liên quan như tiểu đường, trong quá trình luyện tập cần phải biết được mức đường huyết. Với các bệnh cơ xương khớp, nếu khớp đã bị thoái hóa thì nên chọn những động tác ít tác động trọng lượng của cơ thể lên khớp.
Theo BS Nguyễn Xuân Thắng – Phụ nữ TPHCM
Trả lời