Tất cả bộ phận của cây sung đều được dùng làm thuốc
Muốn lấy ngòi của mụn thì giã thêm một củ hành trộn với nhựa và lá sung rồi đắp như trên. Trong trường hợp bị sưng vú, đắp hở đầu vú. Khi bị ngã xây xát, đắp thuốc phải chừa chỗ xây xát.
Theo Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, sung là cây của miền Đông Dương và Ấn Độ, thường mọc hoang và đôi khi cũng được trồng làm cảnh, lấy quả ăn và làm thuốc. Sung còn được gọi với tên khác là vô hoa quả hay ưu đàm thụ bởi đặc điểm rất đặc biệt: có rất nhiều quả lúc lỉu trên cành mà không thấy hoa.
Bộ phận dùng làm thuốc của cây sung bao gồm nhựa, lá và vỏ cây. Tất cả đều được thu hái quanh năm, nhựa dùng tươi còn lá và vỏ cây dùng sau khi phơi khô.
Trong các tài liệu y học cổ truyền, sung được ghi có vị ngọt, hơi chát, tính mát, có tác dụng thông huyết, chỉ thống, lợi tiểu, tiêu thũng, tiêu viêm, bổ máu. Nhựa sung, lá sung và vỏ cây sung đều có rất nhiều công dụng hữu ích trong điều trị các loại bệnh.
Nhựa sung chữa mụn nhọt, bắp chuối, tụ máu, chốc lở, sưng đau. Phương thức tiến hành là rửa sạch mụn nhọt, chỗ đau, lau khô nước, lấy nhựa sung bôi lên trực tiếp, sưng đỏ đến đâu bôi đến đó, ngày bôi 2 lần. Cũng có thể trộn nhựa sung với lá sung non đã giã nát để đắp tại chỗ. Đối với mụn chưa có mủ thì đắp kín; nếu mụn đã vở mủ, đắp để hở miệng. Muốn lấy ngòi của mụn thì giã thêm một củ hành trộn với nhựa và lá sung rồi đắp như trên. Trong trường hợp bị sưng vú, đắp hở đầu vú. Khi bị ngã xây xát, đắp thuốc phải chừa chỗ xây xát.
Nhựa sung còn chữa được nhức đầu bằng cách lấy nhựa phết lên giấy bản, dán vào hai bên thái dương. Có khi dùng phối hợp bôi ngoài với ăn lá non hoặc uống nhựa sung (5ml) hòa với nước đun sôi để nguội. Để chữa hen, lấy nhựa sung hòa với mật ong uống trước khi đi ngủ.
Với lá sung, người ta thường dùng loại lá có tật phơi khô sao vàng, tán bột mịn, trộn với mỡ lợn, bôi để chữa bỏng. Ngoài ra, lá sung còn có công dụng tăng tiết sữa ở phụ nữ với bài thuốc lá sung 100g , chân giò lợn 1 cái, quả mít non 5g (gọt bỏ vỏ), quả đu đủ non 50g, lõi thông thảo 10g, hạt mùi 5g (để sống), tất cả thái nhỏ nấu cùng 100g gạo nếp thành cháo thật nhừ, ăn từ 1 đến 2 lần trong ngày, dùng trong 2 đến 3 ngày. Khi bị chứng nổi từng cục mụn nhỏ ở lưng và ngực kèm theo đau nhức có sốt, tiến hành theo bài thuốc: lá sung có tật 40g, huyền sâm 20g, huyết giác 20g, ngưu tất 20g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày. Để chữa trên mặt nổi từng cục sưng đỏ như hạt đào, hạt mơ, lấy lá sung có tật xông rửa hàng ngày.
Lá sung còn được dùng làm thuốc bổ trong bài thuốc sau: lá sung 200g, củ mài 100g, hạt sen 100g, đảng sâm 100g, thục địa 100g, hà thủ ô đỏ 100g, táo nhân 100g và ngải cứu 100g. Cụ thể, lá sung phơi trong râm cho khô rồi tán bột. Củ mài đồ chín, phơi khô sao vàng, tán bột. Hạt sen cùng đảng sâm sây khô, tán bột. Thục địa tẩm nước gừng, sao thơm giã nhuyễn. Hà thủ ô đỏ tẩm nước đậu đen, sao kỹ tán bột. Táo nhân sao đen, tán bột. Ngải cứu tươi nấu kĩ, lấy nước đặc. Tất cả trộn đều, thêm mật rồi làm thành viên bằng hạt ngô. Người lớn uống mỗi lần từ 8 đến 10 viên, trẻ em tùy tuổi uống mỗi lần từ 2 đến 6 viên, ngày uống 2 lần.
Vỏ cây sung cũng có rất nhiều công dụng chữa bệnh. Người ta thường lấy vỏ sung (20g) cạo sạch lớp bẩn bên ngoài rồi thái mỏng, phơi khô phối hợp cùng với cây vú bò (20g, tẩm mật sao vàng) sắc nước uống để chữa sốt rét, tê thấp và dùng cho phụ nữ sau khi đẻ để có nhiều sữa.
Trả lời