Tiểu ra máu – Chớ bi quan
Vận động quá sức hoặc dùng một số loại thuốc như aspirin cũng có thể gây tiểu máu. Nhưng chảy máu đường niệu là một bệnh lý nghiêm trọng.
Vì sao bị tiểu máu
Có nhiều nguyên nhân gây ra tiểu máu: nhiễm khuẩn tiết niệu, do vi khuẩn xâm nhập từ niệu đạo vào bàng quang và phát triển trong bàng quang; nhiễm khuẩn thận; sỏi bàng quang hoặc sỏi thận; phì đại tuyến tiền liệt; nhiễm khuẩn tuyến tiền liệt; các bệnh viêm cầu thận; ung thư bàng quang, thận hoặc tiền liệt tuyến trong giai đoạn cuối; bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm.
Hội chứng Alport làm ảnh hưởng đến độ lọc cầu thận; chấn thương thận; do dùng một số loại thuốc như penicillin, aspirin, cyclophosphamide; tập thể dục quá sức có thể gây ra chấn thương bàng quang, mất nước hoặc do sự phân hủy của tế bào hồng cầu; nam trên 50 tuổi có thể bị tiểu máu do phì đại tiền liệt tuyến; quan hệ tình dục: nhiều phụ nữ bị nhiễm khuẩn tiết niệu sau khi quan hệ tình dục có thể gây tiểu máu.
Tiểu máu đại thể (cốc trái) nhìn thấy nước tiểu đỏ. Tiểu máu vi thể (cốc phải) phải soi dưới kính hiển vi mới thấy tế bào máu.
Bệnh nhân sỏi thận không nên ăn nhiều rau muống vì dễ tạo sỏi nặng gây tiểu máu.
Dấu hiệu nhận biết
Có hai thể tiểu máu: tiểu máu đại thể là có thể nhìn thấy máu trong nước tiểu; tiểu máu vi thể là chỉ quan sát được tiểu máu bằng kính hiển vi.
Dấu hiệu rõ ràng của tiểu máu là nước tiểu có màu hồng, đỏ, hoặc màu cola do có sự hiện diện của tế bào hồng cầu. Nếu chỉ thấy nước tiểu có màu đỏ là tiểu máu nhẹ, thường không gây đau. Nếu tiểu máu có các cục máu đông thì có thể gây đau. Trên thực tế, nhiều khi tiểu máu không kèm theo một triệu chứng nào.
Tùy theo nguyên nhân gây ra tiểu máu mà có các triệu chứng tương ứng. Tiểu máu do nhiễm khuẩn tiết niệu, các triệu chứng gồm: mót tiểu nhiều, tiểu đau, tiểu rát và nước tiểu có mùi rất khai. Nếu do nhiễm khuẩn thận: có các triệu chứng giống với viêm bàng quang nhưng viêm thận có thể gây sốt và đau vùng hông.
Sỏi bàng quang hoặc sỏi thận: gây ra những cơn đau dữ dội, sỏi thận hoặc sỏi bàng quang đều có thể gây chảy máu.
Phì đại tiền liệt tuyến: tiểu khó, mắc tiểu liên tục và tiểu máu. Viêm cầu thận: tiểu máu vi thể. Viêm cầu thận có thể do các bệnh tiểu đường, nhiễm virut, nhiễm liên cầu khuẩn, bệnh mạch máu. Ung thư bàng quang, thận hoặc tiền liệt tuyến trong giai đoạn cuối.
Phân tích nước tiểu vừa giúp phát hiện nhiễm khuẩn và các chất được bài tiết ra theo nước tiểu như sỏi thận, vừa phát hiện ra tiểu máu.
Chẩn đoán hình ảnh: chụp phim Xquang, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ, siêu âm có thể quan sát được thận và bàng quang, thấy nguyên nhân gây tiểu máu như sỏi tiết niệu, ung thư…
Tuy nhiên, trên thực tế, dù có các chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm vẫn không tìm thấy nguyên nhân gây tiểu máu. Trong trường hợp đó, bệnh nhân cần thường xuyên kiểm tra, nhất là với những người có nguy cơ ung thư bàng quang như hút thuốc, tiếp xúc với các chất độc hại và tiền căn xạ trị.
Hãy yên tâm, bác sĩ luôn ở bên bạn
Bệnh tiểu máu không có thuốc điều trị đặc hiệu. Chủ yếu chỉ điều trị những nguyên nhân cơ bản, uống kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, dùng thuốc phòng ngừa sự phì đại tiền liệt tuyến, thuốc làm tan sỏi, sử dụng laser tán sỏi… Nhưng bệnh nhân cũng đừng lo lắng quá.
Tuy không thể hoàn toàn phòng ngừa bệnh tiểu máu nhưng có thể làm giảm nguy cơ bị tiểu máu bằng các biện pháp: phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu bằng cách uống nhiều nước, đi tiểu ngay nếu có cảm giác buồn tiểu hoặc sau khi giao hợp; vệ sinh đúng cách: lau từ trước ra sau sau khi đi tiểu có thể làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn tiểu.
Đối với người bị bệnh sỏi thận: cần uống nhiều nước, hạn chế ăn muối, hạn chế ăn các thực phẩm giàu protein gây sỏi urat và các thực phẩm chứa nhiều oxalate như rau bina, rau muống…
Tránh ung thư bàng quang và ung thư thận: hạn chế hoặc bỏ hẳn hút thuốc; tránh tiếp xúc với các chất độc hại; duy trì cân nặng, duy trì chế độ ăn uống và hoạt động lành mạnh.
Điều trị tích cực các bệnh dễ gây tiểu máu như: sỏi bàng quang hoặc sỏi thận; phì đại tuyến tiền liệt; nhiễm khuẩn tuyến tiền liệt; viêm cầu thận; ung thư: bàng quang, thận, tiền liệt tuyến; tránh vận động quá sức.
Theo BS. Trần Thị Hiền Trang – Sức khỏe & Đời sống
Trả lời