Trầm cảm – căn bệnh đáng báo động của xã hội ngày nay
Hai triệu chứng đầu buộc phải có. Và nếu bệnh nhân có 5-9 triệu chứng kéo dài trên 2 tuần, ảnh hưởng chức năng của người bệnh hoặc đôi khi cần nhập viện thì tức là đã mắc trầm cảm.
Những năm trở lại đây, căn bệnh trầm cảm ngày càng phổ biến. Nhiều người còn xem đây là căn bệnh của xã hội hiện đại khi cuộc sống ngày nay có quá nhiều thứ khiến con người bị căng thẳng, lo lắng.
Trầm cảm đang gia tăng ở Việt Nam
Theo thống kê của Bộ Y Tế đến năm 2017, Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Điều đáng nói là nhiều người vẫn còn mơ hồ về căn bệnh này, khi phát hiện thì bệnh đã nặng, khiến việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Tiến sĩ Ngô Tích Linh, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược TP.HCM, “Con số bệnh nhân trầm cảm đến khám bệnh ngày càng đông. Chúng ta có thể nhận thấy rằng khi chất lượng sống và ý thức của người dân được nâng cao thì người ta càng ngày càng quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn. Ngày xưa, người đi gặp bác sĩ tâm thần thường là những bệnh nhân loạn thần, nhưng giờ chỉ cần mất ngủ là người ta đến gặp ngay bác sĩ. Cũng nhờ vậy mà nhiều trường hợp trầm cảm, lo âu được phát hiện. Tại những thành phố lớn, con số bệnh trầm cảm, lo âu chiếm tỉ lệ rất lớn so với những nơi khác.”
Trầm cảm – căn bệnh đáng báo động của xã hội hiện đại – 1
Tiến sĩ, Bác sĩ Ngô Tích Linh.
Dấu hiệu nhận diện bệnh nhân đang bị trầm cảm
Theo Hiệp hội tâm thần Mỹ, có 9 triệu chứng theo mức độ mà ta có thể đánh giá bệnh nhân đang bị trầm cảm nặng hay nhẹ là:
– Thứ nhất, ít quan tâm hứng thú.
– Thứ hai, cảm thấy thất vọng.
– Thứ ba là mất ngủ hoặc ngủ nhiều.
– Thứ tư là kiệt sức.
– Thứ năm là chán nản.
– Thứ sáu, cảm thấy bản thân thất bại, vô dụng.
– Thứ bảy là cảm thấy khó tập trung cào công việc.
– Thứ tám là di chuyển chậm chạp hoặc nói chậm.
– Thứ chín, có ý niệm về cái chết.
Hai triệu chứng đầu buộc phải có. Và nếu bệnh nhân có 5-9 triệu chứng kéo dài trên 2 tuần, ảnh hưởng chức năng của người bệnh hoặc đôi khi cần nhập viện thì tức là đã mắc trầm cảm.
Bên cạnh những triệu chứng về khí sắc, bệnh nhân còn có những triệu chứng ở cơ thể như tim hồi hộp, khó thở, mạch nhanh… làm người bệnh và cả thầy thuốc cũng mất cảnh giác.
Từ các triệu chứng này, người ta xây dựng bảng câu hỏi PHQ9 để bệnh nhân tự trả lời và xác định mức độ bệnh. Tuy nhiên, bảng hỏi này chỉ mang ý nghĩa tầm soát là chính chứ chẩn đoán điều trị không phải là mục đích chính.
Nguyên nhân làm gia tăng bệnh trầm cảm
Về nguyên nhân, theo định nghĩa trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng do nội sinh. Những yếu tố bên ngoài chỉ là điều kiện thuận lợi để bộc phát bệnh, không phải nguyên nhân chính. Do đó, nhiều bệnh nhân đến khám chỉ vì nghi ngờ chứ họ không biết mình đang bị trầm cảm.
Ở các nước phương Tây, người ta nhận thấy có mối lương quan giữa thời tiết và trầm cảm. Cụ thể, trong những tháng mùa thu và mùa đông, lượng ánh sáng ít lại, nồng độ melatonin giảm là yếu tố có thể khiến trầm cảm gia tăng. Còn về nhiệt độ, các nhà chuyên môn vẫn chưa thấy có nghiên cứu nào khẳng định liên quan đến trầm cảm.
Ngoài ra với những gia đình có nhiều mâu thuẫn, đây cũng là yếu tố thuận lợi khiến tỉ lệ bùng phát trầm cảm cao hơn. Thực tế, nhiều người cho rằng yếu tố sang chấn tâm lý là yếu tố chính gây ra trầm cảm. Do đó, họ thường chỉ tập trung vào vấn đề cải thiện tâm lý cho bệnh nhân mà không đưa đi điều trị, dẫn đến khi đến viện đã chậm trễ, bệnh nặng. Điều nguy hiểm nhất là việc người nhà không phát hiện được ý niệm tự sát trong đầu bệnh nhân trầm cảm, dễ để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Biện pháp giúp phòng chống bệnh trầm cảm
Trầm cảm là vấn đề nội sinh, nên gần như không có phương pháp phòng chống cụ thể. Khi gia đình phát hiện bệnh nhân có những dấu hiệu nằm trong 9 triệu chứng như đã nói ở trên như mất ngủ, ăn không ngon… nên đi khám để phát hiện phù hợp.
Một trong những yếu tố quan trọng của trầm cảm là kiểm soát suy nghĩ tự động (Automatic Thinkking). Nếu bạn không có việc làm thì sẽ có nhiều thời gian rảnh, dễ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và không kiểm soát được nó. Nếu chúng ta đặt ra một chế độ sinh hoạt hợp lý, cân bằng trong công việc, hoạt động và có những góc nhìn, suy nghĩ cởi mở, tích cực hơn thì ít nhiều sẽ giúp giảm yếu tố thuận lợi bùng phát trầm cảm. Bên cạnh đó, yếu tố nâng đỡ của gia đình cũng góp phần không nhỏ trong việc cải thiện suy nghĩ.
Trả lời