Tre xanh: không chỉ là phục vụ đời sống mà còn là thuốc để cứu người
Các dược liệu trị bệnh từ cây tre, dân tộc ta có hàng ngàn năm tích lũy kinh nghiệm, cho nên dân gian sử dụng rộng rãi tre trong ăn uống và chữa các bệnh thông thường, chỉ có lợi mà không có hại vì toàn bộ cây tre không có bộ phận nào độc hại.
Hình ảnh luỹ tre xanh đã trở thành biểu tượng trong văn hoá Việt Nam, quen thuộc trong đời thường với rất nhiều đồ dùng hàng ngày được làm từ tre như nong nia, rổ rá, đòn gánh, đôi đũa… và còn có trong các bài thuốc dân gan.
Cây tre được sử dụng làm thuốc trong dân gian và Đông y từ rất lâu đời. Tác dụng làm thuốc của cây tre được ghi lại sớm nhất trong sách “Danh y biệt lục”, cách nay gần 2000 năm.
Cây tre cho ta rất nhiều các vị thuốc từ hoa lá cành, dịch chiết, vỏ cây:
1. Trúc diệp
Trúc diệp chỉ lá tre bánh tẻ hoặc lá non của cây tre. Có tác dụng thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân dịch, lợi niệu. Thường dùng chữa nhiệt tà gây tổn thương tân dịch, phiền táo, khát nước, miệng lưỡi lở loét, nước tiểu đỏ.
Tác dụng của lá bánh tẻ và lá non còn cuộn tròn (búp tre) tương tự như nhau, nhưng khi chữa các bệnh nhiệt ở phủ vị thường dùng lá, còn khi chữa bệnh nhiệt ở tạng tâm thường dùng búp.
2. Trúc nhự
Trúc nhự (tinh tre) chế biến bằng cách cạo bỏ vỏ xanh bên ngoài của cây tre, sau đó cạo lớp thân bên trong thành từng mảnh hay sợi mỏng. Có tác dụng thanh hóa nhiệt đàm, trừ phiền chỉ ẩu (chống nôn). Dùng chữa ho đờm vàng đặc, bồn chồn mất ngủ, nôn mửa …
3. Dịch chiết từ cây tre tươi
Cơm lam ngon là nhờ dịch có trong thân tre (Ảnh: Internet)
“Trúc lịch” là dịch tre non, cách lấy khá đơn giản, dễ nhất là cắt sâu vào thân cây tre non vị trí hai phần ba cây tre tính từ dưới lên, sau đó bẻ cụp cây tre xuống, cột vào vị trí bẻ cụp một dụng cụ (ống tre hoặc chai lọ) để hứng dịch. Sau một đêm đã có dịch chảy ra dùng được.
Trúc lịch có mùi thơm rất dễ chịu, vì vậy mà cơm lam ngon hơn cơm thường. Có tác dụng thanh nhiệt, trừ đờm, định suyễn. Dùng chữa đàm nhiệt khái suyễn (hen suyễn do đờm nhiệt), trúng phong hôn mê, kinh giản, điên cuồng.
Nếu là tre non nướng chín vắt lấy nước, gọi là “trúc liêu giao”, được dùng để bào chế mỹ phẩm, làm gia vị ăn uống, hương liệu xông. “Trúc liêu giao” kết hợp với trầm hương thiên nhiên, chè, nếp dùng để trị chứng đau nửa đầu, xây xẩm kinh niên, huyết áp cao lẫn huyết áp thấp, chứng tỳ vị hư hàn, thổ tả. Nó cũng có thể dùng phối hợp với một số vị thuốc khác để trị chứng liệt dương, lãnh cảm, trị bệnh tim và thống phong.
4. Phần vỏ và ruột tre
Vỏ và ruột tre có tác dụng không kém
Vỏ tre cũng hữu dụng không kém. Phần ngoài cùng là “trúc phấn”, dùng làm mỹ phẩm, thuốc sát trùng và điều kinh nữ. Bóc đi lớp trúc phấn, còn lại là “trúc bì”, cũng dùng làm mỹ phẩm, làm thuốc trị vết thương.
Ruột tre tươi gọi là “trúc ẩn”, chuyên trị bệnh phụ nữ (huyết trắng, nấm ký sinh…), có thể hấp cơm hoặc chưng với đậu đen, bào chế thành thuốc bôi hoặc dùng nấu canh với cá, phụ nữ ăn rất tốt. Ruột tre ngâm muối gọi là “trúc diêm”, ngoài việc chữa bệnh phụ khoa còn dùng bào chế thuốc trị viêm họng, trị liệt dương.
5. Hoa tre
Hoa tre cũng dùng làm thuốc. Là thực vật có hoa, nhưng chỉ nở hoa một lần duy nhất vào lúc cuối đời. Do đó người ta còn gọi hoa Tre là “Hạnh phúc cuối cùng”
Hoa tre gọi là “trúc ba” hoặc “trúc cái”, là vị thuốc cấp trị hen suyễn, làm cắt cơn cho những người bị hen suyễn nặng. Chế phẩm thuốc từ hoa tre dùng ngậm trị được bệnh amidale đã viêm mủ mà kháng sinh không còn tác dụng. Đặc biệt, hoa tre xông cùng với trầm hương thiên nhiên có thể tái tạo khứu giác của người bệnh.
6. Mắt tre đực bị côn trùng đục (mắt tre là chồi trên các đốt tre)
Trong một bụi tre thường có những cây tre đực săn chắc, thường được chọn làm cán cuốc, làm đòn gánh, đòn xóc hoặc đan lát những dụng cụ lâu bền. Sở dĩ gọi là tre đực vì nó chỉ đứng một mình, dưới gốc không mọc măng, trên cây không có măng vòi.
Cái mắt nào của tre đực bị côn trùng đục làm hỏng biến thành một cái rốn lõm sâu vào, cái mắt đó gọi là “trúc thị”. “Trúc thị” dùng làm thuốc trị ban, làm tan huyết khối và làm mỹ phẩm.
Các dược liệu trị bệnh từ cây tre, dân tộc ta có hàng ngàn năm tích lũy kinh nghiệm, cho nên dân gian sử dụng rộng rãi tre trong ăn uống và chữa các bệnh thông thường, chỉ có lợi mà không có hại vì toàn bộ cây tre không có bộ phận nào độc hại.
Tuy nhiên, nếu có phối hợp vớị các vị thuốc khác thì cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để tránh các tương tác giữa các dược liệu với nhau.
Trả lời