Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (HCRKT – IBS) có nhiều triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên khó chẩn đoán.
Việc tìm không ra bệnh thường khiến người bệnh lo lắng, làm bệnh tình trầm trọng hơn.
Nỗi khổ của người trong cuộc
Căn bệnh không gây tử vong, nhưng làm người bệnh khốn khổ vì những triệu chứng hành hạ mỗi ngày. Dưới đây là lời tâm sự của các bệnh nhân đã được chẩn đoán ra bệnh.
“Thỉnh thoảng tôi bị đau quặn bụng và mặc dù mỗi ngày tôi đều cố ăn nhiều rau, trái cây nhưng tôi vẫn bị bón, khó đi cầu hoặc nếu có thì chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, đi rồi mà luôn có cảm giác như… chưa từng! Triệu chứng này gợi đến ung thư đại tràng khiến tôi lo lắng. Đi khám nhiều lần, làm nhiều xét nghiệm, cuối cùng bác sĩ chẩn đoán bị HCRKT”.
“Tôi hay bị đau bụng, giống như đầy bụng, quặn từng cơn, dù ăn uống kỹ lưỡng, kiêng đủ thứ từ trứng, sữa đến đồ tanh, của chua… Sau những cơn đau quặn ruột là rắc rối khi đi vệ sinh. Hôm trước vừa bón thì hôm sau lại tiêu chảy.
Khi bị táo bón, tôi phải dùng thuốc bơm mới đi được. Tôi đã đi nội soi dạ dày, đại tràng kết quả hoàn toàn bình thường. Quyết chí tìm ra bệnh, tôi đã đi khám nhiều nơi và làm chẩn đoán thêm nhiều lần nữa mới phát hiện bị HCRKT. Hiện, sau khi dùng thuốc và tư vấn của bác sĩ, tình hình đã ổn”.
“Tôi ăn uống không ngon miệng, đôi khi chán ăn vì cảm giác bụng luôn đầy cứng, kèm theo là đi ngoài khó, mỗi lần đi rất lâu, đã vậy phải hai-ba lần mới xong. Tôi đã tự mua dầu bơm về để giải quyết mỗi khi khó khăn. Lo sợ, mất ăn, mất ngủ, bệnh càng nặng hơn, tôi đi khám nhiều nơi, cuối cùng phát hiện bị HCRKT”.
Nhiều triệu chứng, dễ tái phát
Bệnh được gọi là hội chứng vì có nhiều triệu chứng từ A đến Z của hệ tiêu hóa.
– Ở khúc khởi đầu hệ tiêu hóa, người bệnh thường có cảm giác khó tiêu, đầy bụng, luôn có cảm giác như mình bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày.
– Phần dưới, chủ yếu ở ruột già (các nhà chuyên môn gọi là đại tràng) co thắt, hoặc đại tràng bị kích thích, hoặc rối loạn chức năng đại tràng. Khi thì “khổ chủ” phải chạy như bay vào toilet, khi phải gắng sức mặt đỏ tía tai mà không kết quả. “Trút bầu tâm sự” xong nhưng luôn có cảm giác muốn tiếp tục… trút nữa.
BS thường căn cứ vào các triệu chứng lặp đi lặp lại và các chẩn đoán xét nghiệm loại trừ để tìm ra bệnh như: đau bụng hoặc cảm giác khó chịu ở bụng kéo dài nhiều tuần nhưng không liên tục, kèm theo một số thay đổi do bệnh nhân tự nhận diện bằng cách tham khảo chất thải. Cụ thể: thấy giảm triệu chứng sau khi đi đại tiện, hình thức “sản phẩm” cùng số lần đi cũng thay đổi, BS thường sẽ hỏi số lần để chẩn đoán, nếu trên ba lần một ngày hoặc dưới ba lần/ tuần là có khả năng mắc bệnh HCRKT.
Bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa, vì thế nếu thức ăn không thích hợp, các triệu chứng hiện diện ngay, nhưng nếu ăn uống đúng cách, kiêng khem hợp lý thì bệnh “tạm thời lánh mặt”.
Phụ nữ do nhạy cảm, dễ lo lắng căng thẳng nên dễ có nguy cơ mắc bệnh hơn nam giới. Bệnh cũng được phân làm nhiều mức độ. Mức độ nặng được xác định khi bệnh nhân chán ăn, sụt cân, thiếu máu, sốt, tăng BC, tốc độ máu lắng tăng, tiêu ra nhầy, máu.
BS Dương Phước Hưng – ĐH Y Dược TPHCM nhận xét: “Bản chất của HCRKT là thường xuyên tái phát, vì có rất nhiều yếu tố kích thích làm cho triệu chứng xảy ra. Có thể thời điểm này là do nguyên nhân này gây ra, lúc khác lại do tác nhân khác.
Bên cạnh các triệu chứng thuộc hệ tiêu hóa, còn có các yếu tố tâm lý (lo lắng, sợ bệnh hiểm nghèo…), đau đầu, mất ngủ. Thế giới ví căn bệnh hội chứng ruột kích thích (HCRKT – IBS) như một tảng băng ngầm, vì tỷ lệ phát hiện bệnh chỉ 15%, phần còn lại do không đi khám hoặc lầm lẫn với bệnh khác”.
Điều trị
Do bệnh có nhiều triệu chứng nên dễ lầm lẫn với nhiều bệnh khác. Đây cũng là điều mà phần lớn bệnh nhân lo lắng, nhất là những người khi bị một hay hai triệu chứng là “gõ phím” hỏi … Google.
Các bệnh có cùng triệu chứng gây tiêu chảy gồm: nhiễm trùng đường ruột, suy giảm miễn dịch, ung thư đại-trực tràng, u lympho ruột, dị ứng thức ăn, thiếu men lactase, viêm loét đại trực tràng chảy máu…
Các bệnh có cùng triệu chứng gây táo bón, đau bụng gồm: u đại tràng, bệnh co dãn đại tràng, u tụy, thoát vị, bệnh sỏi mật và viêm túi mật. Triệu chứng chán ăn, đầy bụng, khó tiêu cũng dễ dẫn tới chẩn đoán viêm dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng…
Cho đến nay, chưa có thuốc điều trị HCRKT mà chỉ có thuốc điều trị triệu chứng hay xảy ra nhất và gây khó chịu cho bệnh nhân nhiều nhất. Ngay cả việc điều trị triệu chứng cũng đôi khi hết, nhưng rồi tái lại. Cũng có trường hợp chỉ giảm nhẹ nhưng giúp bệnh nhân giảm căng thẳng, lo lắng.
Triệu chứng đầy bụng, trướng bụng và ăn chậm tiêu là một trong hai triệu chứng của HCRKT. Cả hai dạng táo bón và tiêu chảy đều có triệu chứng này, do đó việc điều trị giúp triệu chứng đầy bụng trướng bụng và ăn không tiêu sẽ hết.
Chế độ ăn cho người bệnh rất phức tạp, tùy từng trường hợp, như táo bón thì nên ăn đầy đủ chất xơ, trái cây xanh; tiêu chảy thì cần tránh ăn các thực phẩm như sữa…
Riêng những người tự điều trị táo bón bằng việc dùng thuốc bơm vào hậu môn cần thận trọng vì dễ bị nguy cơ kích thích niêm mạc và viêm loét hậu môn, trực tràng, hoặc lệ thuộc thuốc nếu sử dụng trong thời gian dài.
Về điều trị, BS Dương Phước Hưng hướng dẫn: “Tùy theo từng dạng bệnh, có những thuốc điều trị khác nhau, ví dụ dạng táo bón (IBS-C) thì thuốc điều trị là các thuốc kích thích co thắt đại tràng, làm mềm phân. Thuốc thường dùng lúc giai đoạn mới phát bệnh là lactulose hay PEG, đến giai đoạn nặng hơn là bisacodyl…
Nếu dạng tiêu chảy (IBS-D) thì thuốc thường sử dụng là thuốc dạng chống co thắt (antispasmodique) như hyoscin, trimebutin, mebeverine… Các trường hợp nặng hơn thì phải đi khám và các BS sẽ cho các thuốc cần phải kê đơn.
Với Đông y, việc điều trị cũng chú trọng đến triệu chứng và yếu tố tâm lý. Những người hay lo lắng, thấy đau bụng, nếu cứ thường xuyên lo lắng, bệnh sẽ ngày càng trầm trọng, về sau cứ gặp chuyện thì “quặn ruột” đòi vào toilet. Phụ nữ dễ bị bệnh HCRKT do hay lo xa, bản tính lại cầu toàn, tâm lý dễ nhạy cảm. Do đó cần tập luyện để bớt căng thẳng, hiệu quả nhất là thiền, yoga…
Về ăn uống, do tì – vị (tụy tạng, dạ dày) không hoàn thành tốt công tác, rồi đẩy thức ăn xuống ruột, khiến ruột co thắt tống ra ngoài. Muốn bệnh nhẹ bớt, cần lưu ý ăn kỹ, nhai chậm, tránh những món gây dị ứng: ngứa, đỏ da… và những món gây phản ứng: ăn vào đau bụng, đổ mồ hôi, chảy nước mắt, nhức đầu…
Trong lúc bị bệnh, cần tránh thức ăn khó tiêu như: khoai mì, bánh ngọt nhiều magarin, bơ, các loại thịt nhiều mỡ, các món khô, các loại trái cây ngọt béo như: mít, sầu riêng, dừa… Lưu ý các món dễ gây đi lỏng như: nha đam, thạch, thanh long, các loại nước ép trái cây…
Luyện tập: Cần luyện tập thói quen đi đại tiện vào buổi sáng sớm. Thực hiện bằng cách xoa bụng theo chiều kim đồng hồ để kích thích nhu động ruột. Sau đó, uống một ly nước tinh khiết, để ruột tăng tốc”xuất hàng”.
Lương y Đinh Công Bảy – Hội Dược liệu TP.HCM cho biết: “Hiệu quả điều trị bệnh tùy người, tùy cuộc sống, lứa tuổi. Những người hay lo lắng dễ cáu giận thì bệnh khó lành. Những người dễ ăn, ăn không theo giờ giấc cũng khó chữa. Những đối tượng có bệnh di truyền như huyết áp, tim mạch cũng lâu khỏi”.
Theo Phương Nam – Phụ nữ TPHCM
Trả lời