Trồng những loại cây này để động vật nguy hiểm như rắn tránh xa
Chúng tôi xin giới thiệu một số biện pháp có thể ngăn rắn tiếp cận nơi ở để bạn đọc tham khảo.
Sự việc người dân 2 tỉnh Thanh Hóa, Lạng Sơn liên tục bắt được trăn, rắn hổ mang ở gần khu vực sinh sống đã dấy lên lo ngại về việc các loài vật nguy hiểm bò vào nhà và tấn công con người. Dân Việt xin giới thiệu một số biện pháp có thể ngăn rắn tiếp cận nơi ở để bạn đọc tham khảo.
Sự việc người dân 2 tỉnh Thanh Hóa, Lạng Sơn liên tục bắt được trăn, rắn hổ mang ở gần khu vực sinh sống đã dấy lên lo ngại về việc các loài vật nguy hiểm bò vào nhà và tấn công con người. Dân Việt xin giới thiệu một số biện pháp có thể ngăn rắn tiếp cận nơi ở để bạn đọc tham khảo.
Cần phải khẳng định rằng, chưa có bất cứ một công trình khoa học nào đưa ra kết luận về giải pháp hữu hiệu triệt để ngăn chặn rắn bò vào nhà, tất cả đều là kinh nghiệm dân gian mà nhiều người đã thử nghiệm lưu truyền.
Cây nén (hành tăm) có thể khiến rắn phải tránh xa khu nhà bạn.
Theo anh Nguyễn Cường, một nông dân ở Đà Lạt thì: “Không có chứng minh khoa học nào về việc cây trồng có thể đuổi rắn. Tuy nhiên, những người nông dân dựa theo kinh nghiệm đã xác định được một số cây trồng mà nhiều hộ gia đình sử dụng có thể đuổi rắn thành công“.
Nguyên tắc để đuổi rắn là dựa trên việc làm cho môi trường xung quanh không phù hợp cho rắn, để rắn đi đến nơi khác. Anh Cường chia sẻ thêm: “Người ta tin rằng loài rắn không thích những cây có mùi thơm mạnh mẽ, do đó sẽ lựa chọn đi một nơi khác“.
Có thể kể đến một vài loại cây như cây nén, cây sả, hoa lan tỏi… đó là những loại cây sẽ khiến rắn “né” nhà bạn từ xa. Đặc biệt, rắn lục đuôi đỏ cực nhạy cảm với mùi nên tác dụng của việc trồng cây sẽ càng hiệu quả hơn.
Cụ thể, cây nén thuộc họ hành, thường được gọi là hành tăm, hành trắng. Đây là một loại gia vị đặc biệt do sở hữu tinh dầu trong củ, lá có mùi thanh và cay hơn so với hành/tỏi nên khi phát hiện mùi từ xa – các loài rắn sẽ tìm cách lẩn tránh và không dám đến gần.
Phần nhựa từ sắn dây có mùi khó chịu khiến rắn phải tránh xa.
Hoa lan tỏi là một loại cây có thân leo, hoa màu tím, vị ngọt, có tác dụng giải nhiệt, chống rôm sảy… và là một vị thuốc an thần tốt. Tuy nhiên, do lá cây này có mùi tỏi rất nồng, khó chịu, thậm chí nồng hơn cả tỏi nên lũ rắn mới tránh xa những khu vực trồng cây này.
Loài cây thứ 3 khá quen thuộc với chúng ta là sắn dây. Do phần nhựa tiết ra từ cây sắn dây có mùi khó chịu nên khiến rắn sợ và tránh xa.
Dùng bột hùng hoàng
Hãy dùng bột hùng hoàng (hay bán ở hàng thuốc bắc), tên hóa học là arsenic sulfide. Đây là loại thuốc loài rắn rất kỵ mùi. Khi rắn đánh hơi được mùi hùng hoàng thì chúng sẽ bỏ đi ngay lập tức vì đây là chất độc rất mạnh đối với chúng.
Bột hùng hoàng cực độc, có thể khiến rắn bỏ đi ngay lập tức nhưng cũng rất nguy hại với môi trường và con người.
Tuy nhiên khi sử dụng cũng hết sức phải lưu ý vì đây là một loại độc tố đối với con người. Phải dùng bao tay cao su dầy và khẩu trang che mũi khi rắc hùng hoàng, lúc không có gió, và phải rửa tay thật sạch sau khi rắc xong.
Đặc biệt không để lâu trong môi trường và không để nhiễm vào nguồn nước hay thức ăn. Xong mục đích đuổi rắn là phải thu dọn thật sạch. Ngoài hùng hoàng cũng thể thể dùng trầm thơm đốt để xua đuổi rắn, đây cũng là loại mùi họ nhà rắn rất kỵ.
Thuốc đuổi rắn
Ngoài việc sử dụng cây xanh, nếu muốn xua đuổi rắn ra khỏi khu vực sinh sống, hoặc để rắn không lại gần mình, người dân có thể chế thuốc để đuổi rắn bằng cách lấy 10 củ nén giã nhỏ trộn với 5g hùng hoàng hoặc dùng 1 củ tỏi, 10 nhánh hành hương và một ít thuốc lá sợi, giã nhỏ, đựng vào một túi vải, đeo bên mình. Mùi dược liệu bốc ra sẽ làm rắn tránh xa.
Dọn dẹp nhà cửa
Rắn cực ưa bóng tối, thích nơi mát mẻ. Do đó, để rắn không cư ngụ nhà bạn bất thình lình, bạn nên dọn dẹp những nơi tối tăm như gầm giường, gầm tủ… sạch sẽ. Đồng thời, cần thường xuyên chú ý tới những khu vực xung quanh bể nước, bồn tắm, máy giặt vì đây cũng là những khu vực mát, rắn thích trú ẩn.
Điều này sẽ khiến rắn không có chỗ trốn và cũng để bạn có thể nhanh chóng phát hiện được sự đột nhập “bất hợp pháp” của loài vật nguy hiểm này.
Khi phát hiện rắn vào nhà, cần xử lý như thế nào?
Khi phát hiện rắn vào nhà, có thể dùng cán chổi hoặc gậy dài để xua đuổi.
– Tìm một cây gậy dài, hoặc cán chổi xua từ từ đuổi nó đi.
– Nếu phát hiện rắn ở trên mặt sàn, có thể dùng một tấm chăn, mền dày chụp lên nó. Con rắn sẽ cảm thấy an toàn khi ở trong bóng tối và không nhìn thấy gì xung quanh, nó sẽ bớt hung hãn hơn. Sau đó, tìm vật nặng đè quanh mép chăn để con rắn không thoát ra.
– Nếu con rắn ở một góc khuất nào đó như ngăn kéo, góc tủ thì hãy để yên nó. Di chuyển tất cả mọi người ra ngoài và tìm sự trợ giúp từ chuyên gia bắt rắn hoặc gọi đội cứu hộ động vật hoang dã.
– Tình huống rất thường gặp ở các vùng núi là gặp một con rắn độc trong vườn. Ở trường hợp này, đừng cố gắng giết chết nó. Khi cảm thấy nguy hiểm, rắn sẽ tấn công con người.
Hãy dùng gậy dài hoặc vòi phun nước áp suất cao để đuổi nó ra khỏi khu vực gia đình. Nếu không, hãy tìm sự trợ giúp.
Trả lời