Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh viêm mạn tính ở nhiều khớp ở chân, tay với biểu hiện khá đặc trưng như sưng khớp, đau khớp, cứng khớp buổi sáng và đối xứng hai bên.
Tính phổ biến của bệnh
Viêm khớp dạng thấp là một trong các bệnh khớp rất phổ biến, chiếm khoảng 1% dân số thế giới. Riêng ở Việt Nam, cứ 5 người bệnh nằm điều trị ở khoa Cơ Xương Khớp Bệnh viện Bạch Mai thì có 1 bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Khoảng 50% bệnh nhân bị ảnh hưởng chức năng nặng nề và bị giảm tuổi thọ. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là tuổi 30 – 60. Bệnh chủ yếu gặp ở Nữ. Nữ giới mắc bệnh nhiều gấp 3 lần so với nam giới.
Nhận biết dấu hiệu bệnh
Bệnh diễn biến mạn tính với các đợt cấp tính. Biểu hiện bệnh rất đa dạng: toàn thân, tại khớp, ngoài khớp. Ngoài biểu hiện chính tại khớp, người bệnh còn có các biểu hiện toàn thân (mệt mỏi, xanh xao, sốt, gầy sút…) và tổn thương các cơ quan khác. Biểu hiện khớp: là viêm nhiều khớp, mạn tính có tính chất đối xứng, chủ yếu ở các khớp nhỏ và nhỡ.
Vị trí khớp tổn thương: chủ yếu ở các khớp nhỏ và nhỡ ở hai tay, hai chân. Ở tay thường gặp viêm các khớp từ khuỷu tay xuống bàn tay. Khớp cổ tay bị tổn thương sớm nhất (60% trường hợp). Ở chân thường bị viêm các khớp từ khớp gối xuống bàn chân.
Tính chất viêm khớp: trong các đợt tiến triển, các khớp sưng đau, nóng, ít khi đỏ. Đau liên tục kéo dài. Các khớp thường bị cứng vào buổi sáng, thường kéo dài trên 1 giờ. Đặc điểm hình thái khớp bị tổn thương: Bàn tay bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thường biến dạng rất đặc trưng. Bàn tay giống như bị gió thổi, lệch hẳn trục về phía ngón út. Cổ tay có hình lưng lạc đà. Ngón tay hình cổ cò, ngón tay của người thợ thùa khuyết, ngón gần hình thoi, các khớp bàn ngón biến dạng, đứt gân duỗi ngón tay (thường gặp gân ngón tay 4,5), bàn chân cũng bị biến dạng: gan bàn chân tròn, ngón chân hình vuốt thú…. Các khớp bị hủy hoại như vậy sẽ khiến bệnh nhân nhanh chóng trở thành tàn phế. Giai đoạn muộn, thường tổn thương các khớp vai, háng. Có thể tổn thương cột sống cổ, gây những biến chứng về thân kinh (có thể liệt tứ chi). Tổn thương gân, cơ, dây chằng và bao khớp: các cơ cạnh khớp teo do giảm vận động. Biểu hiện nội tạng: các biểu hiện nội tạng (tim, phổi…) hiếm gặp, thường xuất hiện trong các đợt tiến triển.
Các xét nghiệm và thăm dò cần thiết: tốc độ máu lắng, protein C phản ứng; yếu tố dạng thấp; Xquang khớp bị tổn thương (đặc biệt hai bàn tay).
Biến chứng/nguy cơ: sau khi khởi bệnh 10 năm: 10 -15% bệnh nhân bị tàn phế, phải cần sự trợ giúp của người khác. Các yếu tố làm tăng tỷ lệ tử vong ở bênh nhân VKDT là bệnh lý tim mạch, nhiễm trùng, loãng xương, biến chứng sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và chống viêm không steroid.
Nguyên nhân của bệnh
Nguyên nhân của bệnh hiện còn chưa được làm rõ. Từ lâu người ta đã nhận thấy bệnh viêm khớp dạng thấp có tính chất gia đình. Một số yếu tố môi trường như nhiễm lạnh ẩm kéo dài, sau nhiễm một số virus hay vi khuẩn phổ biến. Các yếu tố cơ địa thuận lợi: cơ thể suy yếu, mệt mỏi, chấn thương, phẫu thuật, mắc bệnh truyền nhiễm. Về mặt cơ chế bệnh sinh, bệnh được coi là môt bệnh tự miễn với sự có mặt của yếu tố dạng thấp trong huyết thanh.
Chẩn đoán bệnh
Cho đến nay cả thế giới đang sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội thấp khớp học Mỹ ACR 1987. Có 7 tiêu chuẩn chẩn đoán bao gồm: 1) cứng khớp buổi sáng, kéo dài trên 1 giờ; 2) Viêm khớp ít nhất 3 nhóm khớp (trong số 14 nhóm khớp: khớp ngón gần bàn tya, khớp bàn chân ngón, khớp cổ tay, khớp khuỷu, khớp gối, khớp cổ chân, khớp bàn ngón chân hai bên). 3) Viêm ít nhất 1 trong 3 khớp ở tay: khớp ngón gần, khớp bàn ngón, khớp cổ tay; 4) đối xứng; 5) Hạ thấp dưới da; 6) Tăng nồng độ yếu tố dạng trong huyết thanh; 7) Những biến đổi đặc trưng của bệnh trên Xquang; hình ảnh mất xương thành dải, bào mòn xương, khuyết xương ở bàn tay, bàn chân, hẹp khe khớp, dính khớp. Chẩn đoán xác định: khi có ≥ 4 tiêu chuẩn, từ tiêu chuẩn 1 đến tiêu chuẩn 3 kéo dài hơn 6 tuần.
Điều trị
* Chế độ dinh dưỡng, chế độ luyện tập, nghỉ ngơi: sinh hoạt đúng cách như: tránh đứng hoặc ngồi quá lâu; giữ tư thế thẳng, cân đối khi đứng, đi và ngồi; cầm nắm và cử động bàn tay, ngón tay, xoa bóp các khớp. Bệnh nhân cũng nên đi bộ hàng ngày. Xong cần nghỉ trong thời gian 5-10 phút sau mỗi giờ đi; cần ngủ đủ giấc. Người bệnh cần sử dụng các loại quần áo mềm dễ mặc, quần áo cài bằng khóa; sử dụng các loại nước uống đóng trong hộp dễ mở, cốc nhẹ, dụng cụ mở hộp dễ sử dụng; dùng thìa có cán dài và to; giày dép có quai dán… nhằm tạo điều kiện và khuyến khích người bệnh vận động và tự phục vụ.
Chăm sóc các khớp ở cánh tay, bàn tay: hướng dẫn bệnh nhân khi nâng vật cần nâng bằng cả 2 tay. Nếu bệnh nhân đau nhiều, có thể băng nẹp cổ bàn tay. Với khớp háng và /hoặc gối nên khuyên bệnh nhân nằm tư thế xấp trên giường cứng; nằm thẳng, đứng hoặc đi dạo, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu; nên dùng can chống hỗ trợ đối với bên khớp đau. Ngoài ra, cần tránh vận động quá mức ở các khớp tổn thương, tránh các động tác có thể gây ra hoặc làm đau khớp tăng lên. Có nhiều bài tập để giảm cứng và đau khớp, chống dính khớp.
* Nguyên tắc điều trị
– Điều trị kéo dài, thậm trí duy trì suốt đời
– Phối hợp nhiều biện pháp điều trị khác nhau: dùng thuốc, không dùng thuốc, phẫu thuật, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
– Bệnh nhân cần phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc, yên tâm, tin tưởng điều trị lâu dài. Tuyệt đối tuân thủ chế độ điều trị. Bảo quản tốt và luôn mang theo kết quả xét nghiệm, đơn thuốc khi đến khám bệnh.
– Phát hiện và xử trí các tai biến do thuốc corticoid, thuốc chống viêm không steroid kéo dài: tổn thương dạ dày tá tràng, đái tháo đường, loãng xương, tăng huyết áp, hội chứng Cushing do corticoid, lao và các nhiễm khuẩn khác…
* Các biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp:
Hiện nay điều trị nội khoa là cơ bản, kết hợp sử dụng nhiều nhóm thuốc: thuốc điều trị triệu chứng (thuốc chống viêm, giảm đau) và thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm ngay từ giai đoạn đầu của bệnh. Các thuốc chống viêm và giảm đau có thể giảm liều hoặc ngừng hẳn, trong khi các thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm thường phải duy trì suốt đời. Dùng corticosteroid tại chỗ (khi có chỉ định) là một điều trị hỗ trợ tốt, có thể sử dụng để tránh hoặc giảm bớt việc dùng corticostreroid toàn thân. Hiện nay có các thuốc điều trị sinh học như actemra, enbrel, mabthera… là các biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp đầy hứa hẹn. Trong trường hợp tổn thương khớp nặng nề thì có thể thay khớp giả.
Trả lời