Viêm loét đại tràng có thể phòng tránh được không ?
Viêm loét đại tràng có phải là bệnh xảy ra ở một số người có nguy cơ cao không? Nguy cơ này là gì và có thể tránh được không.
Có thể tầm soát bệnh bị biến chứng ung thư vào thời điểm nào ?
(Trần Quyết – Bình Phước)
Chào bạn,
Viêm loét đại tràng là một bệnh viêm ruột gây ra viêm kéo dài ở một phần ống tiêu hóa. Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây bệnh và có rất nhiều giả thuyết khác nhau.
Các chuyên gia tập trung vào một số khả năng có thể làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh:
Hệ miễn dịch: một số nhà khoa học nghĩ rằng virút hoặc vi khuẩn khởi phát bệnh. Ống tiêu hóa trở nên viêm khi hệ miễn dịch cố gắng chống lại tác nhân xâm nhập. Đồng thời, phản ứng viêm có thể bắt nguồn từ phản ứng của tự miễn dịch, trong đó cơ thể tự sản xuất kháng thể mà không có mầm bệnh nào hiện diện.
Di truyền: trong thực tế có nhiều người có nguy cơ bị bệnh viêm loét đại tràng hơn những người khác nếu có cha mẹ hoặc anh chị em bị bệnh này. Tuy nhiên phần lớn người bị bệnh viêm loét đại tràng không có tiền sử gia đình bị mắc bệnh này.
Viêm loét đại tràng xảy ra ở cả hai giới với tỉ lệ như nhau, có một số yếu tố nguy cơ: thường bệnh xảy ra trước 30 tuổi, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi nào và khi đến tuổi 50 – 60 thì khó khởi phát bệnh; người da trắng bị nhiều nhất; nguy cơ cao nếu những người thân thiết mắc bệnh (cha mẹ, anh chị em ruột, con cái); dùng isotretinoin trị mụn trứng cá khi bệnh không đáp ứng thuốc khác.
Việc tầm soát ung thư đại tràng là cần thiết ở người bị viêm loét đại tràng bởi khi mắc bệnh tần suất mắc phải ung thư sẽ tăng lên. Người ta khuyến cáo sau khi bị viêm loét đại tràng toàn thể 8 năm thì phải bắt đầu tầm soát ung thư bằng nội soi, đối với thể viêm đại tràng trái thì tầm soát sau 10 năm, còn thể viêm loét ống hậu môn thì mỗi 10 năm kiểm tra một lần khi bắt đầu tuổi 50.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Trả lời